Sâm Ngọc Linh ngày càng khan hiếm và đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, song ở Gia Lai, Kon Tum rộ lên những đại lý bán củ sâm Ngọc Linh tươi. Giá sâm tươi ban đầu được "hét" giá rất cao tới vài trục triệu đồng/kg rồi giảm về còn gần 10 triệu đồng và còn có người chào bán giá thấp có vài triệu triệu đồng/kg.
Sâm được bán như... gừng
Vì ham rẻ nên có người mua 15-20kg về phơi đầy sân. Không ít gia đình tranh thủ lúc giá thấp, mua làm quà cho người thân khắp trong Nam ngoài Bắc. Nhiều nhất là đưa sâm ra Hà Nội. Sâm được phân lớn nhỏ, củ càng to, giá bán càng cao. Lúc đầu, loại 20 củ/kg giá 15-25 triệu đồng/kg, về sau còn 8 triệu đồng, rồi 6 triệu đồng/kg, có người ở Kon Tum mua chỉ 3 triệu đồng/kg... Và cuối cùng khi tin sâm giả lộ ra, không ít đại lý bán tháo để thu hồi vốn và giá bán "cái gọi là sâm" chỉ còn 1,5 triệu đồng/kg.
Sâm Ngọc Linh thật.
|
Sâm Ngọc Linh vô cùng quý và đắt, một năm chỉ cần tìm 1kg sâm là nuôi sống được cả gia đình, nên rất khó để có nhiều sâm. Ai mua bao nhiêu cũng có, cả tạ sâm cũng có ngay. Lãnh đạo UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết Sâm Ngọc Linh thật đang được bán với giá từ 60 - 80 triệu đồng/ kg và rất hiếm.
"Kỹ nghệ" làm sâm giả
Một người quen của tôi ở Kon Tum chuyên mua sâm Ngọc Linh khẳng định: Từ nhiều năm qua, Kon Tum đã xuất hiện sâm Ngọc Linh giả được chở từ các tỉnh phía Bắc vào. Tuy nhiên, nó có nguồn gốc ở đâu, có phải từ bên kia biên giới hay không thì anh không thể lần ra được. Bây giờ nếu cần thiết anh sẵn sàng cung cấp cho vài số điện thoại, họ sẽ gửi xe chở từ Hà Nội vào.
Sâm Ngọc Linh giả.
|
Công dụng của sâm Ngọc Linh đã có quá nhiều đề tài khoa học nghiên cứu, nhiều sách báo phản ánh về tính năng đặc biệt của nó. Tuy nhiên theo chúng tôi biết, từ nhiều năm qua không ít người bỏ tiền thật và lên tận những vùng núi cao của Kon Tum mua về đều là sâm giả. Sâm Ngọc Linh thật rất giống sâm dỏm mà qua tìm hiểu, chúng tôi được biết đó là Tam Thất Vũ (ngũ) Diệp. Loài này sống ở vùng núi cao các tỉnh phía Bắc và Trung Quốc, có hình dáng rất giống củ sâm Ngọc Linh. Để tiêu thụ sản phẩm này, những nhà buôn mang nó vào Kon Tum, nơi có vùng sâm Ngọc Linh tổ chức tiêu thụ. Giá củ tam thất khá rẻ.
Ông Hà Ban, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đã cất công "sưu tầm" một số củ được các thương lái bán gọi là "sâm Ngọc Linh" và một cây tươi mang so sánh tại vườn sâm Ngọc Linh chính hiệu đang trồng dưới tán rừng trên núi Ngọc Linh thì đã thấy rõ sự khác biệt. Anh Mang Ngọc Tiến - cán bộ trung tâm giống Sâm Ngọc Linh đã có kinh nghiệm hàng chục năm trồng và chăm sóc cây Sâm Ngọc Linh giải thích. "Với cây sâm Ngọc Linh giả có 7 lá kép, sâm Ngọc Linh thật phổ biến thì chỉ 5 lá kép; thân của cây sâm giả nhợt, hơi tím hơn sâm Ngọc Linh thật bởi thân màu xanh đen. Còn phần củ thì cây sâm giả mắt tròn, dài, mọng và bóng, còn sâm Ngọc Linh thật ngắn, mắt to, chắc...".
Công nghệ làm giả từ Tam Thất Vũ Diệp sang sâm Ngọc Linh rất tinh vi. Họ lấy củ tam thất mang về rồi xay củ sâm Ngọc Linh thật ra lấy nước ngâm với củ tam thất để chúng có mùi sâm. Tam thất ngâm sâm mang ra, hình dáng như thật, vị lại gần như thật nên những người không chuyên chẳng thể biết đâu là thật, đâu là sâm giả. Không ít người cảnh báo:Việc mua phải sâm Ngọc Linh giả đôi khi tiền mất tật mang. Sâm giả xuất xứ ở đâu người mua không ai rõ, nhưng để bảo quản những củ như thế tươi lâu, người bán phải ngâm chất bảo quản. Những người có sức khỏe tốt xài phải loại chất bảo quản này tác hại khôn lường, huống hồ sâm giả lại dùng cho những người bệnh, hậu quả hết sức nguy hại.Dược sỹ: Nguyễn Thị Hằng - Ban Dược, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (Biên tập từ nguồn: SKĐS)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét