Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

Tác dụng dược lý của nhân sâm Ngọc Linh


Tác dụng dược lý của nhân sâm Ngọc Linh

Trước khi có những nghiên cứu kỹ lưỡng về tác dụng đối với sức khỏe của sâm Ngọc Linh, sâm đã được các dân tộc thiểu số Việt Nam, như người Xê Đăng, dùng như một loại thuốc trong những bài thuốc cổ truyền cầm máu, lành vết thương, làm thuốc bổ, sốt rét, đau bụng, phù thũng. Theo tiến sĩ Nguyễn Bá Hoạt, Phó viện trưởng Viện Dược liệu Việt Nam, những kết quả nghiên cứu dược lý thực nghiệm sâm Ngọc Linh đã chứng minh tác dụng chống stress vật lý, stress tâm lý và trầm cảm, kích thích hệ miễn dịch, chống ôxi hóa, lão hóa, phòng chống ung thư, bảo vệ tế bào gan. Nghiên cứu dược lý lâm sàng của sâm Ngọc Linh cũng cho kết quả tốt: bệnh nhân ăn ngon, ngủ tốt, lên cân, tăng thị lực, hoạt động trí tuệ và thể lực cải thiện, gia tăng sức đề kháng, cải thiện các trường hợp suy nhược thần kinh và suy nhược sinh dục, nâng cao huyết áp ở người bị huyết áp thấp[1]. Ngoài những tác dụng như tiến sĩ Nguyễn Bá Hoạt nói trên, theo dược sĩ Đào Kim Long, sâm Ngọc Linh có những tính năng tuyệt hảo như tăng lực, phục hồi sự suy giảm chức năng giúp cho tình trạng của cơ thể trở lại bình thường; kháng các độc tố gây hại tế bào, giúp kéo dài sự sống của tế bào và tăng các tế bào mới. Đặc biệt, sâm Ngọc Linh có những tính năng mà sâm Triều Tiên và sâm Trung Quốc không có là tính kháng khuẩn, chống trầm cảm, giảm lo âu, chống ôxi hóa[9], và hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, thuốc trị bệnh tiểu đường[4].
Trạm Nghiên cứu Dược liệu tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (trước đây) và Xí nghiệp Dược phẩm Đà Nẵng, trong bước đầu thực hiện bào chế sản phẩm thành dược liệu có giá trị thương mại, đã chế ra "Tinh sâm quy Ngọc Linh", "Sâm quy mật ong" v.v. có chứa sâm Ngọc Linh.
SttTác dụng dược lýChủ trị
1Tăng thể lực, chống nhược sứcSuy nhược cơ thể
2Kích thích các hoạt động não bộSuy nhược tinh thần
3Tác dụng kiểu nội tiết tố sinh dụcSuy nhược sinh dục
4Tăng tạo hồng cầu, tiểu cầuChữa thiếu máu, suy tiểu cầu
5Đặc hiều với vi khuẩn StreptocociChữa viêm họng hạt
6Antistress giải lo âu và chống trầm cảmCác bệnh lý gây ra bởi stress
7Tăng cường chức năng gan và bảo vệ tế bào ganChống xơ gan và giải độc gan
8Giảm cholesterol huyết, giảm lipit, tăng HDLXơ vữa động mạch
9Giảm đường huyết hiệp lực với thuốc hạ đường huyếtBệnh tiểu đường
10Điều hòa hoạt động tim mạchLoạn nhịp tim và hạ huyết áp
11Chống ôxy hóa (Antioxidant)Chống lão hóa
12Phòng chống các loại ung thưHỗ trợ thuốc chữa ung thư
13Gia tăng sức đề kháng không đặc hiệuSuy giảm miễn dịch

Đặt vấn đề:

Sâm Việt nam (Sâm Khu 5, Sâm Ngọc Linh, Sâm Đốt trúc, Củ Ngãi rợm con) là một trong những cây thuốc thuộc họ Nhân sâm (Araliaceae) tiêu biểu của Việt nam và là một loài Panax mới của thế giới. Sâm Việt nam có thành phần hóa học và những tác dụng dược lý tương tự như Sâm Triều tiên và các cây thuốc trong họ Nhân sâm như: tác dụng bổ, tăng lực, sinh thích nghi, kháng viêm, giảm đau, hạ cholesterol huyết, hạ đường huyết…. Ngoài ra, sự hiện diện của 26 dammarane saponin mới (vina-ginsenosides-R1-R25 và 20-O-methylginsenoside-Rh1) và hợp chất majonoside-R2 với hàm lượng cao (5,29 %) đã góp phần hình thành một số tác dụng dược lý mới của Sâm Việt nam so với Sâm Triều tiên [1, 2].

QUÁ TRÌNH NGHIÊN CỨU VỀ DƯỢC LÝ THỰC NGHIỆM

CỦA SÂM VIỆT NAM

Những nghiên cứu về dược lý thực nghiệm của Sâm Việt nam đã được bắt đầu từ những năm 1978 bởi Đơn vị Nghiên cứu chuyên đề Sâm K5 (sau đổi là Trung tâm Sâm Việt nam và nay là Trung Tâm Sâm & Dược liệu TP. HCM) cùng phối hợp với các đơn vị nghiên cứu trong và ngoài nước và được chia làm 2 giai đoạn chính với các cộng tác viên như sau:
  • Giai đoạn từ 1978-1992
Bộ phận Dược lý Trung Tâm Sâm Việt nam phối hợp với Viện Y Dược học Dân tộc TP.HCM và Bộ môn Dược lực, Khoa Dược, Đại học Y Dược TP. HCM đã thực hiện thăm dò tác dụng dược lý thực nghiệm của Sâm Việt nam trên hệ thần kinh TW, trên hệ nội tiết, trên chức năng gan, trên sức đề kháng không đặc hiệu của cơ thể và trên một số bệnh lý như: tiểu đường, xơ vữa động mạch.
Những kết quả nghiên cứu trong giai đoạn này được dựa trên các công trình nghiên cứu của các tập thể như sau:
  • Bộ phận Dược lý-Sinh hóa, Trung tâm Sâm Việt nam
    • TS. Nguyễn Thới Nhâm.
    • DS. Trương Như Tùng.
    • DSCK1. Nguyễn thị Thu Hương.
    • TS. Đào Đại Cường.
  • Bộ môn Dược lực, Khoa Dược, Đại Học Y Dược TP. HCM
    • TS. Nguyễn Hạc Hương Thư.
    • DS. Đinh Sơn Huy.
    • DSCK1. Trần thị Thu Hồng.
    • DSCK1. Đinh Đức Vinh.
  • Viện Y Dược học Dân tộc TP. HCM
    • GS. Bùi Chí Hiếu.
    • BS. Nguyễn văn Sung.
    • DS. Nguyễn Ánh Tuyết.
  • Hợp tác quốc tế
    • Viện Cây thuốc Poznan, Ba lan: GS. Jergy Lutomski & cộng sự
    • Trường Đại học Y khoa số 2 Matxcova, Liên xô.
· Giai đoạn từ 1993-2002
Từ năm 1993, Trung tâm Sâm & Dược liệu TP.HCM chủ yếu phối hợp nghiên cứu về dược lý với các Trường-Viện nghiên cứu Nhật bản như: Viện Nghiên cứu Y học Đông phương-Trường Đại học Y Dược Toyama (GS. Hiroshi Watanabe, GS. Shigetoshi Kadota & cộng sự), Trường Đại học Hiroshima (GS. Kazuo Yamasaki & cộng sự) và Trường Đại học Kyoto (GS. T. Konoshima & cộng sự). Những công trình nghiên cứu trong giai đoạn này chủ yếu định hướng vào tác dụng của Sâm Việt nam trên những bệnh lý phổ biến trong thời đại công nghiệp hiện nay như: trầm cảm, stress, suy giảm miễn dịch, lão hoá, xơ gan, ung thư. Song song với những nghiên cứu trên, những nghiên cứu về cơ chế tác dụng và xác định hoạt chất quyết định tác dụng của Sâm Việt nam cũng được thực hiện.

TÓM TẮT KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VỀ DƯỢC LÝ

THỰC NGHIỆM CỦA SÂM VIỆT NAM

1-               Nguyên liệu nghiên cứu
  • Bột rễ và thân rễ của cây Sâm Việt nam (5 năm tuổi) được chiết xuất bằng cồn theo phương pháp ngấm kiệt cho ra dạng cao mềm. Hiệu suất chiết: 56,2%.
  • Hoạt chất chính majonoside-R2 (hiệu suất chiết: 5,29%) sử dụng trong nghiên cứu được cung cấp từ GS. Kazuo Yamasaki - Trường Đại học Hiroshima. Độ tinh khiết của mẫu majonoside-R2 đạt trên 95% (được kiểm định bằng sắc ký lỏng hiệu năng cao, HPLC).
2-              Giai đoạn từ 1978-1992
Những kết quả được tóm tắt như sau [1]:
  • Độc tính cấp đường uống của Sâm Việt nam rất thấp.
  • Sâm Việt nam thể hiện độ an toàn khi sử dụng dài ngày.
  • Sâm Việt nam thể hiện tác động trên hệ thần kinh TW tùy theo liều sử dụng. Ở liều 10-100 mg/kg, Sâm Việt nam có tác dụng kích thích hệ thần kinh TW, rút ngắn tiềm thời của phản xạ có điều kiện, điều hòa hoạt động của não bộ khi bị gây rối loạn phản xạ, làm gia tăng tính vận động tự nhiên, rút ngắn thời gian ngủ của barbital, trong khi ở liều 0,5 -2 g/kg Sâm Việt nam thể hiện tác dụng ức chế hệ thần kinh TW.
  • Sâm Việt nam thể hiện tác dụng tăng lực ở những liều nhỏ (5-100 mg/kg) theo cơ chế tác động tương tự như Sâm Triều tiên, nghĩa là làm gia tăng sự sử dụng chất nền lipid có năng lượng cao và hạn chế sự sử dụng nguồn hydratcarbon.
  • Sâm Việt nam có tác dụng hồi phục lại số lượng hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu bị giảm do chiếu xạ nhanh hơn so với lô không dùng Sâm.
  • Sâm Việt nam có tác động kiểu nội tiết tố sinh dục nam và nữ thể hiện rõ trong các trường hợp bị suy nhược sinh dục. Phương cách tác động nội tiết của Sâm Việt nam thông qua việc kích thích hoạt động của tuyến yên của não bộ.
  • Sâm Việt nam thể hiện tác động giảm đau-kháng viêm trên các mô hình gây đau xoắn bụng bằng acic acetic, mô hình gây viêm cấp hoặc mãn theo cơ chế kích thích hoạt động của trục tuyến thượng thận-tuyến yên.
  • Sâm Việt nam có tác động điều hòa hoạt động tim mạch, nâng cao huyết áp trong các trường hợp hạ áp do mất máu. Sâm Việt nam còn thể hiện tác động phòng chống xơ vữa động mạch ở liều 50-500 mg/kg theo cơ chế giảm cholesterol huyết, giảm lipid toàn phần và lipoprotein, tăng hàm lượng HDL (lipoprotein có nhiệm vụ vận chuyển cholesterol vào nội bào).
  • Sâm Việt nam ở liều 50 mg/kg có tác dụng hạ đường huyết và hiệp lực với sulfamid hạ đường huyết (Diabinese) và Insulin.
  • Sâm Việt nam thể hiện tính kháng khuẩn trên các chủng vi khuẩn Gram (+), đặc biệt là trên chủng vi khuẩnStreptococci gây bệnh viêm họng. Sâm Việt nam có tác động hiệp lực với một số kháng sinh thông dụng như: Erythromycin, Ampicillin, Tetracyclin, Bactrim và không gây ảnh hưởng trên hệ vi khuẩn lành tính ở ruột như các kháng sinh. Ngoài ra, hai hợp chất polyacetylen được chiết tách từ Sâm Việt nam là Panaxynol và Heptadeca-1,8-dien-4,6-diyn-3,10-diol thể hiện tính kháng khuẩn trên Staphylococcus aureus mạnh gấp 10-20 lần so với Oxytetracyclin, Chloramphenicol và Erythromycin và tính kháng nấm trên Candida albicans PCM 1409 PZH tương đương với Natamycin.
  • Sâm Việt nam có tác dụng bảo vệ tế bào gan trên mô hình gây xơ gan bằng CCl4 (chuột cống trắng) và KMnO4 (thỏ). Sâm Việt nam còn hổ trợ sự tái tạo tế bào gan trên mô hình cắt bỏ một phần gan, duy trì chức năng sinh hóa của gan và kích thích hoạt động của hệ thống cytocrom-P450 trong ty thể gan trên mô hình gây xơ gan bằng CCl4 .
3-              Giai đoạn từ 1993-2002
Những kết quả nghiên cứu được tóm tắt như sau:

3.1- TÁC DỤNG CHỐNG STRESS CỦA SÂM VIỆT NAM

(GS. Hiroshi Watanabe, PGS. Kinzo Matsumoto, GS. Kazuo Yamasaki, TS. Nguyễn thị Thu Hương)
Stress là một trong những nguyên nhân của những căn bệnh của thời đại công nghiệp như: trầm cảm, tim mạch, ung thư, suy giảm khả năng miễn dịch… Tác dụng chống stress và chống trầm cảm được định hướng nghiên cứu nhằm mục đích thăm dò những tác dụng mới của Sâm Việt nam và xác định hoạt chất có tác dụng của Sâm Việt nam, đặc biệt là majonoside-R2.
Kết quả:
  • Stress vật lý: stress nhiệt độ nóng (37-42°C) và lạnh (0-5°C) [1]
Sâm Việt nam (liều 100 mg/kg) có tác dụng gia tăng ngưỡng chịu đựng của súc vật thử nghiệm đối với nhiệt độ, làm kéo dài thời gian sống sót của súc vật thử nghiệm. Cơ chế tác dụng của Sâm Việt nam là làm gia tăng các đáp ứng thể dịch và sự đề kháng miễn dịch [1].
  • Các Stress tâm lý bao gồm: stress cô lập (isolation stress), stress gây sợ hãi có điều kiện (conditioned fear stress) và stress tâm lý sử dụng hộp truyền tin giao tiếp (communication box) [4, 5]
Stress tâm lý thực nghiệm gây ra các rối loạn chức năng và thực thể như: làm mất cảm giác đau, loét dạ dày, giảm thời gian ngủ của barbital, giảm khả năng miễn dịch… Sâm Việt nam và majonoside-R2 có tác dụng hồi phục và đưa trở về trạng thái bình thường các rối loạn trên. Sâm Triều tiên khi được thử đối chiếu ở khoảng liều uống từ 50-200 mg/kg đã không thể hiện tác dụng chống stress đạt ý nghĩa thống kê. Majonoside-R2 đã được chứng minh là hoạt chất quyết định tác dụng chống stress của Sâm Việt nam [4, 5].
  • Nghiên cứu về cơ chế tác dụng đã xác định vai trò của thụ thể opioid, phức hợp GABA và các neurosteroid có thể ảnh hưởng lên tác dụng chống stress của Sâm Việt nam và hoạt chất majonoside-R2 [5].

3.2- TÁC DỤNG KÍCH THÍCH MIỄN DỊCH CỦA SÂM VIỆT NAM

(GS. Hiroshi Watanabe, PGS. Kinzo Matsumoto, GS. Kazuo Yamasaki, TS. Nguyễn thị Thu Hương)
Stress, ngoài việc gây ra những rối loạn chức năng và thực thể, còn gây suy giảm hệ miễn dịch dẫn đến những bệnh lý do suy giảm sức đề kháng của cơ thể. Tác dụng kích thích miễn dịch được xác định là một trong những chỉ tiêu để đánh giá tác dụng chống stress của các cây thuốc và của những hoạt chất adaptogen có nguồn gốc từ tự nhiên [7]. Sâm Triều tiên và những hoạt chất của Sâm Triều tiên được chứng minh làm gia tăng những đáp ứng miễn dịch và điều hòa sự ức chế miễn dịch gây bởi stress trên súc vật thử nghiệm [8, 9].
Công trình này được thực hiện nhằm mục đích xác định ảnh hưởng của Sâm Việt nam và hoạt chất majonoside-R2 trên sự đáp ứng miễn dịch ở cơ địa súc vật bình thường và ở cơ địa súc vật bị suy giảm miễn dịch gây bởi stress tâm lý.
Kết quả:
  • Thực nghiệm khảo sátø ảnh hưởng của Sâm Việt nam trên độc tính cấp của Escherichia coli ATCC 25922 [10]
Sâm Việt nam có tác dụng bảo vệ súc vật thử nghiệm đối với liều gây chết của Escherichia coli, phân suất sống sau 72 giờ là 75% (bột chiết Sâm Việt nam, 500 mg/kg) và 83,3% (majonoside-R2, 50 mg/kg).
3.2.2- Thực nghiệm khảo sát ảnh hưởng của Sâm Việt nam trên sự thực bào của bạch cầu in vitro(microscopic assay) và thực nghiệm khảo sát ảnh hưởng của Sâm Việt nam trên sự thực bào của bạch cầu in vivo (bactericidal assay) [10]
Bột chiết Sâm Việt nam (500 mg/kg) và majonoside-R2 (50 mg/kg) có tác dụng làm gia tăng chỉ số thực bào của bạch cầu trong cả hai thực nghiệm in vitro và in vivo.
  • Thực nghiệm khảo sát ảnh hưởng của Sâm Việt nam trên sự thực bào của đại thực bào (macrophage) in vivo (carbon clearance test) [10]
Bột chiết Sâm Việt nam (100-500 mg/kg) và majonoside-R2 (10 mg/kg), tương tự như tác dụng của chất kích thích sự thực bào điển hình zymosan-A (30 mg/kg), có tác dụng làm gia tăng chỉ số thực bào in vivocủa đại thực bào.
3.2.4- Thực nghiệm khảo sát tác dụng của Sâm Việt nam trên sự suy giảm khả năng thực bào do các stress tâm lý: stress cô lập (isolation stress) và stress tâm lý sử dụng hộp truyền tin giao tiếp (communication box) [10]
Stress tâm lý làm giảm khả năng thực bào in vivo của đại thực bào. Majonoside-R2 (10 mg/kg) và thuốc đối chiếu zymosan-A (30 mg/kg), được tiêm phúc mô 5 ngày trước thực nghiệm, có tác dụng dự phòng sự suy giảm khả năng thực bào gây bởi stress tâm lý.
Tóm lại, Sâm Việt nam cũng như hoạt chất majonoside-R2 thể hiện tác động gia tăng chỉ số thực bào ở cơ địa súc vật bình thường và cơ địa súc vật bị suy giảm miễn dịch gây bởi stress tâm lý. Sơ bộ xác định cơ chế tác động của Sâm Việt nam như sau:
  • Tác dụng kích thích hoạt động của hệ thống lưới nội sinh chất (reticuloendothelial system) của Sâm Việt nam. Hệ thống lưới nội sinh chất giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì sự hằng định nội môi và sự miễn dịch không đặc hiệu của sinh vật [16].
  • Sự tương quan giữa hệ thần kinh TW và hệ miễn dịch trong các bệnh lý suy giảm miễn dịch gây bởi stress là cơ sở cho tác động dự phòng của Sâm Việt nam trên sự suy giảm miễn dịch gây bởi stress. Sâm Việt nam với tác động chống stress và tăng lực trong đó hoạt chất majonoside-R2 đã được xác định như một chất tác động chủ vận lên hệ thống GABA-A của hệ thần kinh TW để tham gia vào quá trình điều hòa những rối loạn gây bởi stress.
    • TÁC DỤNG CỦA SÂM VIỆT NAM TRÊN SỰ LÃO HÓA GÂY BỞI STRESS
(GS. Hiroshi Watanabe, PGS. Kinzo Matsumoto, GS. Kazuo Yamasaki, TS. Nguyễn thị Thu Hương)
Stress oxy hóa (oxidative stress) là những yếu tố stress gây ra những phản ứng oxy hóa lipid của màng tế bào (lipid peroxidation), dẫn đến những tổn thương về chức năng và cấu trúc của màng tế bào cả ngoại biên lẫn hệ thần kinh TW. Stress oxy hóa làm gia tăng sự hình thành các gốc tự do (free radical) với độc tính cao và là yếu tố bệnh sinh của những căn bệnh liên quan đến tuổi già như bệnh tim mạch, ung thư, suy giảm chức năng não bộ (bệnh Alzheimer)…[11, 12]. Việc nghiên cứu tìm ra những tác nhân chống oxy hóa (antioxidant) để dự phòng những bệnh lý gây bởi tác hại của gốc tự do là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Dược trong việc nâng cao sức khoẻ và tuổi thọ con người.
Công trình này được thực hiện nhằm mục đích:
  • Xác định tác động antioxidant in vitro của saponin toàn phần Sâm Việt nam và hoạt chất majonoside-R2.
  • Xác định tác động antioxidan của hoạt chất majonoside-R2 trên sự gia tăng lipid peroxidation gây bởi stress tâm lý (tác động in vivo).


Kết quả:
  • Thực nghiệm khảo sát tác động antioxidant in vitro của saponin Sâm Việt nam trên sự hình thành sản phẩm của quá trình oxy hóa lipid (lipid peroxidation): thiobarbituric reactive subtance (TBA-RS) [13, 14]
Saponin Sâm Việt nam và saponin Sâm triều tiên (nồng độ 0,05-0,5 mg/ml) ngăn chặn sự hình thành sản phẩm TBA-RS của quá trình oxy hóa lipid trong mô não, dịch đồng thể tế bào gan và vi thể gan. Tác động này tương tự như vitamin E (nồng độ 10-100 mM) là một chất antioxidant điển hình.
  • Thực nghiệm in vivo khảo sát ảnh hưởng của stress tâm lý trên sự gia tăng TBA-RS và tác dụng của Sâm Việt nam [15]
  • Sự tiếp xúc với stress tâm lý (sử dụng communication box) trong 4 giờ làm gia tăng hàm lượng TBA-RS trong não. Saponin Sâm Việt nam (liều uống 15-25 mg/kg) không ảnh hưởng lên hàm lượng TBA-RS trong não ở cơ địa súc vật bình thường nhưng làm giảm điển hình sự gia tăng hàm lượng TBA-RS gây bởi stress và đưa trở về mức bình thường.
  • Tương tự, Majonoside-R2 cũng ức chế điển hình sự gia tăng hàm lượng TBA-RS gây bởi stress tâm lý và đưa trở về mức bình thường.
  • Các chất đối kháng với thụ thể GABA-A như flumazenil hoặc pregnenolone sulfate phá hủy tác động ức chế của majonoside-R2 trên sự gia tăng hàm lượng TBA-RS gây bởi stress.
Tóm lại, saponin toàn phần Sâm Việt nam và majonoside-R2 thể hiện tác động ức chế phản ứng oxy hóa lipid in vitro và in vivo. Cơ chế tác động của majonoside-R2 được giải thích do sự kích hoạt thụ thể GABA-A điều hòa các đáp ứng thần kinh trong stress.

3.4- TÁC DỤNG PHÒNG CHỐNG UNG THƯ CỦA SÂM VIỆT NAM

(GS. T. Konoshima & cộng sự)
Hoạt chất majonoside-R2 có tác động ức chế cả giai đoạn bắt đầu và giai đoạn tiến triển của ung thư biểu mô da chuột được gây bằng nitric oxide phối hợp với 12-O-tetradecanoylphorbol-13 acetate (TPA) hay bằng peroxynitrite phối hợp với TPA [17].
  • TÁC DỤNG BẢO VỆ TẾ BÀO GAN CỦA SÂM VIỆT NAM
(GS. Shigetoshi Kadota, PGS. Yasuhiro Tezuka, TS. Trần Lê Quan, TS. Nguyễn Tuấn Dũng)
Việc điều trị dự phòng bằng majonoside-R2 (50 mg/kg) ức chế sự hoại tử tế bào gan gây bởi D-GalN/LPS, theo cơ chế ức chế sự gia tăng chất TNF (tumor necrosis factor) trong huyết thanh, là chất trung gian trong quá trình hoại tử tế bào gan [18].
  • TÁC DỤNG CHỐNG TRẦM CẢM (ANTIDEPRESSANT) CỦA SÂM VIỆT NAM
(GS. Hiroshi Watanabe, PGS. Kinzo Matsumoto, TS. Nguyễn thị Thu Hương)
Theo thống kê của Bệnh viện Tâm thần TW, tỉ lệ người có biểu hiện các triệu chứng của bệnh trầm cảm chiếm khoảng 5-7%, trong đó phụ nữ có tỉ lệ mắc bệnh cao [3].
  • Sâm Việt nam được chứng minh có tác dụng chống trầm cảm ở liều uống một lần 200 mg/kg và liều 50-100 mg/kg khi được cho uống trong thời gian 7 ngày [5]. Majonoside-R2 (3,1-12,5 mg/kg, liều tiêm phúc mô) cũng đã được chứng minh có tác dụng chống trầm cảm trên súc vật bình thường [5].
  • Stress cô lập trong thời gian 4 tuần làm gia tăng mức độ trầm cảm của súc vật thử nghiệm đạt ý nghĩa thống kê so với nhóm bình thường. Bột chiết Sâm Việt nam (liều uống 100 mg/kg) thể hiện tác dụng ức chế sự gia tăng mức độ trầm cảm do stress cô lập của súc vật thử nghiệm đạt ý nghĩa thống kê, tương tự như Fluoxetine (Prozacâ, liều uống 20 mg/kg). Bột chiết Sâm Triều tiên (liều uống 100 mg/kg) chưa thể hiện tác dụng ức chế sự gia tăng mức độ trầm cảm do stress cô lập [19].
  • Majonoside-R2 (liều tiêm phúc mô 12,5 mg/kg) thể hiện tác dụng ức chế sự gia tăng mức độ trầm cảm gây ra do stress cô lập, tương tự như các thuốc chống trầm cảm điển hình Desipramine (thuộc nhóm tricyclic, 20 mg/kg) và Fluoxetine (thuộc nhóm ức chế thụ thể serotonin, 30 mg/kg) [19].
TS. Nguyễn Thị Thu Hương
Trung Tâm Sâm và Dược liệu TP. HCM-Viện Dược liệu

0 nhận xét:

Đăng nhận xét