Kon Tum làm giàu từ cây sâm ngọc linh
(VOV) -Mỗi kg sâm tươi đang được bán với giá 20 triệu đồng, thậm chí có lúc lên tới 30 - 40 triệu đồng.
Từ độ cao 1.000m trở lên quanh đỉnh Ngọc Linh hùng vĩ có nhiều loại dược liệu đặc hữu, như: Sâm Ngọc Linh, Hồng Đẳng Sâm, Ngũ vị tử…Với quyết tâm bảo tồn nguồn dược liệu quý hiếm, xây dựng thành sản phẩm chủ lực, tỉnh Kon Tum đã có những bước đi cụ thể nhằm hiện thực hóa ước mơ bao đời của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây là sống được và làm giàu được từ rừng.
“Vàng xanh” của đại ngàn
Từ thành phố Kon Tum, vượt gần 100 cây số ngược dốc theo hướng Bắc, chúng tôi đến xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, thủ phủ của cây sâm Ngọc Linh.
Trong cái lạnh co ro buổi sớm, già A Dớt, dân tộc Xê đăng, làng Pu Tá sôi nổi hẳn lên khi nghe chúng tôi hỏi về loài cây này.
Làng của người Xê Đăng dưới chân núi Ngọc Linh |
Già bảo: “Nhờ sâm mà dân làng mình có nhiều sức khỏe để gùi đạn, cõng lương thực giúp bộ đội suốt những năm đánh Mỹ. Khi cái chân không muốn bước, khi hai vai đã mỏi, chỉ cần nhai một mắt sâm là khỏe ngay”.
Tuy nhiên, mong muốn được tận mắt nhìn thấy một cây sâm Ngọc Linh mọc tự nhiên ngay tại quê hương của loài cây này chúng tôi không thực hiện được. Già A Dớt nói với giọng tiếc nuối: “Ngày xưa vào rừng là thấy, còn bây giờ mình có đi mỏi cái chân cũng không tìm thấy sâm đâu”.
Anh A Nghích, làng Ngọk La, người từng tham gia nhiều chuyến luồn rừng tìm sâm kéo dài cả tuần, cho biết: “Đi tìm sâm phải đi thành đoàn, từ hai đến bốn, năm người. Mỗi chuyến đi kéo dài cả tuần. May thì gặp còn thường là không thấy. Đi rất xa mà vất vả nữa”.
Cây sâm Ngọc Linh đang khiến người già ở Măng Ri tiếc nuối, còn người trẻ thì khát khao sở hữu, bởi mỗi kg sâm tươi đang được bán với giá 20 triệu đồng, thậm chí có lúc lên tới 30 triệu đồng - 40 triệu đồng.
Với những giá trị đặc biệt về y dược riêng có như hàm lượng saponin vượt cả sâm Triều Tiên, sâm Mỹ, sâm Nhật, sâm Ngọc Linh còn có tính năng mà cả “sâm ngoại” không có là kháng khuẩn, chống trầm cảm, giảm lo âu, chống oxy hóa và hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, thuốc trị bệnh tiểu đường. Bởi vậy, từ hàng chục năm nay, không hề có khái niệm “rớt giá” sâm Ngọc Linh.
Sâm Ngọc Linh và lời giải cho bài toán môi trường
Ông Huỳnh Văn Liêm - Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Kon Tum cho biết: “Một ha sâm Ngọc Linh sau 8 năm trồng cho thu hoạch từ 400 đến 500kg củ. Với giá bán 20 triệu đồng/kg củ tươi như hiện nay, 1ha sâm như thế, người trồng có doanh thu đạt trên 9 tỷ đồng. Nếu trừ chi phí đầu tư, nông dân còn lãi trên 6 tỷ đồng”.
Vườn sâm giống của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh |
Trước tiềm năng kinh tế vô cùng lớn của loại cây dược liệu này, một dự án phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2012- 2020, tầm nhìn 2025 đang được tỉnh Kon Tum triển khai thực hiện, với tổng diện tích quy hoạch lên tới trên 31.000 ha rừng, trong đó vùng trồng sâm gần 17.000 ha tại 5 xã của huyện Tu Mơ Rông và 3 xã thuộc huyện Đăk Glei. Dự kiến đến năm 2015 trồng được 300ha, năm 2020 trồng được 1.000 ha.
Theo bà Trần Thị Tuyết - Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Kon Tum, người từ hàng chục năm nay dành nhiều tâm huyết nghiên cứu về cây sâm Ngọc Linh và cũng là người đang trực tiếp xây dựng chỉ dẫn địa lý cho loại dược liệu quý hiếm này, thì dự án thành công, bên cạnh nguồn lợi kinh tế lớn mang lại cho hàng chục nghìn đồng bào dân tộc thiểu số, quê hương của loại sâm đặc biệt, nó còn vô cùng có ý nghĩa dưới góc độ bảo vệ môi trường.
“Môi trường sống tốt nhất của sâm Ngọc Linh là dưới tán rừng tự nhiên, độ che phủ đạt trên 80% ở độ cao từ 1.500m trở lên. Bảo tồn phát triển được sâm cũng đồng nghĩa là bảo vệ được rừng đầu nguồn cho Kon Tum và miền Trung, bảo vệ được môi trường tự nhiên đang hàng ngày bị đe dọa”, bà Tuyết lý giải.
Trong khi việc quy hoạch phát triển cây sâm Ngọc Linh đang khẩn trương được hoàn chỉnh, với mục tiêu cụ thể của tỉnh Kon Tum là xây dựng cây sâm thành một trong 9 sản phẩm chủ lực, thành cây xóa đói giảm nghèo, cây làm giàu thì tại quê hương của loài “vàng xanh” này ở Tu Mơ Rông, những thành công trong việc nhân rộng cây sâm đã khẳng định đây là một hướng đi đúng.
Tiềm năng đại ngàn được đánh thức
Trên những sườn núi quanh năm mây phủ, độ cao từ 1.500m so với mặt nước biển trở lên, được bảo vệ nghiêm nghặt về an ninh, Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh đã tạo được vườn sâm rộng trên 150 ha. Còn Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Đăk Tô cũng đang sở hữu gần 8 ha.
Trước sự cạn kiệt của loại dược liệu quý này trong tự nhiên, người dân bản địa cũng đã trồng sâm để sử dụng và phát triển kinh tế gia đình. Trên 4.000 m2 sâm của người dân làng Lạc Bông, xã Ngọc Lei được trồng từ năm 1995 nay đã bắt đầu cho khai thác là một tín hiệu vui.
Sâm dây thu hoạch được người dân làng Pu Tá phơi khô tự nhiên |
Lời giải cho bài toán về giống, về kinh nghiệm để trồng sâm thành công đã có ngay trong thực tế. Điều đáng mừng nữa là chính quyền các cấp của tỉnh Kon Tum đều thể hiện rất rõ quyết tâm phát triển cây sâm Ngọc Linh nói riêng và các loại cây dược liệu đặc hữu nói chung.
Nếu như phải mất thêm một thời gian nữa sâm Ngọc Linh mới trở thành cây trồng phổ biến trong nhân dân, thì Hồng Đẳng Sâm, người dân địa phương thường gọi là sâm dây, vốn dễ trồng, dễ chăm sóc đang giúp các hộ Xê Đăng ở đây thoát nghèo. Loại cây được liệu này có tên trong sách đỏ Việt Nam từ năm 1996.
Ông Lâm Quang Huy - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Khoảng 8 năm trở lại đây, người dân trong xã đã lấy hạt sâm dây từ rừng về trồng trong nương rẫy của gia đình. Điều thuận lợi là sâm dây rất thích hợp với hình thức trồng xen và không hề ảnh hưởng tới cây trồng chính. Riêng trong năm 2012, từ sự hỗ trợ của huyện, người dân trong xã đã mở rộng thêm được 16ha”.
Theo chân chị Y H’lạng, làng Pu Tá, chúng tôi ngược dốc lên thăm rẫy sâm dây của gia đình. Chị bảo: Nhờ sâm dây, gia đình chị mới no ấm, ba con của chị có điều kiện học trường huyện, trường tỉnh.
Chị Y H’lạng cho biết: Trước năm 2006, vợ chồng chị thấy sâm dây cho thu nhập cao, song ngày càng khó kiếm. Hai vợ trồng mày mò vào rừng tìm cây con mang về trồng trong rẫy được khoảng 1 sào. Rồi thấy cây dễ trồng, vợ chồng bàn bạc mạnh dạn vay Ngân hàng Chính sách xã hội 10 triệu đồng mua giống từ người đi rừng, mở rộng diện tích được gần 1ha.
Dẫu chưa thể làm giàu, song đã có không ít hộ đồng bào dân tộc thiểu số Xê Đăng, Giẻ- Triêng… sống quanh chân núi Ngọc Linh thoát nghèo nhờ những cây dược liệu đặc hữu mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này.
Cũng đã có những tư duy rất khác trong câu chuyện bên chén rượu cần mừng năm mới của người dân nơi đây. Ví như muốn có lương thực, bà con bảo nhau không chặt phá rừng để gieo lúa, trỉa bắp mà cùng nhau giữ rừng, cùng nhau trồng rừng để phát triển cây dược liệu. Bởi vậy, có cơ sở khẳng định, dự án phát triển sâm Ngọc Linh của tỉnh sẽ thành công.
Ước mơ bao đời của đồng bào nơi đây, là sống được và làm giàu được từ rừng mà không phải chặt phá rừng sẽ sớm thành sự thật trong một tương lai không xa./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét